Chương trình tập huấn sử dụng sơ đồ tư duy trong quản lý và dạy học
Theo nghiên cứu khoa học, bán cầu não trái có nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, viết, tính toán, sắp xếp, phân loại, ghi nhớ từ ngữ và tri giác thời gian, bán cầu não phải có vai trò xử lý hình tượng tổng thể, khái niệm không gian, phân biệt hình vẽ, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng bắt chước… Tuy mỗi bên bán cầu não có chức năng riêng, song chúng luôn tương hỗ lẫn nhau trong quá trình hoạt động. Hiện nay, mọi người thường có thói quen ghi chép thông tin bằng các ký tự, đường thẳng, con số theo một trình tự nhất định. Cách ghi chép thông thường này khó nhìn được tổng thể bao quát của cả vấn đề.
Thực tế việc học ngôn ngữ ngay từ nhỏ, sau đó lại chú trọng đọc, viết, tính toán, lý giải và tư duy logic… tức não trái hoạt động tương đối nhiều so với não phải khiến sự phát triển trí tuệ của trẻ bị ảnh hưởng. Phát triển cân bằng cả bán cầu não trái và bán cầu não phải là một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển trí tuệ toàn diện. Để cân bằng não trái và não phải, điều cần thiết là phải thay đổi phương pháp giảng dạy học tập, “mời” não phải cùng não trái tham gia quá trình khám phá và lĩnh hội tri thức… Vì thế, Hệ thống trường Quốc tế Việt Úc đã chọn lựa và triển khai phương pháp giảng dạy, ghi chép bằng sơ đồ tư duy kể từ niên học tới hầu tạo ra sự cân bằng nói trên.
Tại buổi tập huấn, Tiến sỹ Trần Đình Châu và Đặng Thu Thủy đã giới thiệu những kiến thức từ tổng quát đến cụ thể, chia sẻ tính thực tiễn đối với công tác giảng dạy, quản lý, truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Bằng cách kết hợp, sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc và chữ viết - việc ứng dụng sơ đồ tư duy không chỉ giúp học sinh biết tự tìm tòi, đào sâu, mở rộng ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay mạch kiến thức… mà qua đó còn phát huy khả năng ghi chép có hiệu quả, tính chủ động, sáng tạo, phát triển tư duy tùy thuộc cách vẽ nên “tác phẩm” sơ đồ tư duy theo cách riêng nơi mỗi học sinh.
Đối với giáo viên, việc sử dụng sơ đồ tư duy rất hữu dụng trong giảng dạy kiến thức mới, hệ thống hóa và củng cố lại kiến thức sau mỗi tiết dạy cũng như quản lý giáo dục, lập kế hoạch công tác. Thông qua sơ đồ tư duy, toàn bộ kế hoạch từ chỉ tiêu, phương hướng, biện pháp… sẽ hiện lên một cách tổng quát, dễ theo dõi quá trình thực hiện đồng thời có thể linh hoạt bổ sung thêm những chi tiết mới một cách dễ dàng so với việc thảo kế hoạch theo cách thông thường.
Một số hình ảnh từ buổi tập huấn: