Khảo sát địa chất miệng núi lửa Định Quán
Khởi hành từ 6 giờ sáng tại TpHCM, xe đưa đoàn hơn 100 học sinh đến chân miệng núi lửa số 118 có niên đại từ 650,000 năm nay đã ngưng hoạt động, tại huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai. Từ đây, các em đã vượt qua hành trình leo núi gần hai cây số đường bộ để lên đến miệng núi lửa cao khoảng 200m so với mặt đất. “Khi leo núi, lúc đầu tụi em còn ngại và sợ, nhưng nhờ có thầy cô giúp đỡ nên không sao,” “mọi người không ngại dơ bẩn, khó khăn để leo đến đỉnh,” “cảnh thiên nhiên thật đẹp hơn nhiều so với tưởng tượng”, em Phương Linh lớp 8.5 chia sẻ.
Khi lên đến nơi, với sự hướng dẫn của cô giáo bộ môn Địa lý, các em đã quan sát và có những nhận xét về địa chất ở trên miệng núi lửa. “Tụi em quan sát thấy có hai loại đá chính là những đá tảng lớn chồng lên nhau, và loại đá lồi lõm như tổ ong nhỏ nằm rải rác. Loại đất đá này thích hợp cho người dân trồng nhiều cây điều,” em Yên Linh, lớp 9.2 nhận xét.
Giáo viên bộ môn Địa lý đang hướng dẫn các em tìm hiểu địa chất trên miệng núi lửa
Dịp đi dã ngoại thực tế này cũng là dịp được tổ chức đặc biệt cho các em cuối cấp với nhiều hoạt động gắn kết nhau trước khi chuyển cấp. Sau chuyến khảo sát địa chất vào buổi sáng, buổi chiều và tối các em cùng nhau tham gia các hoạt động tập thể như nhảy sạp, tưng cầu, đá bóng, nhảy bao bố, tắm thác, đốt lửa trại và làm tiệc nướng BBQ. “Nguyên đêm tụi em không ngủ để ngồi chơi và nói chuyện với nhau. Chuyến đi đã để lại rất nhiều kỷ niệm cho tụi em,” em Huyền Vy lớp 9.3 kể lại.