main logo
Messenger logo
phone calling icon
  • Home
  • Tin tức
  • Top 16 phương pháp giáo dục tài chính cho trẻ em ở...

Top 16 phương pháp giáo dục tài chính cho trẻ em ở từng độ tuổi

1. Sự khác biệt trong tư duy tài chính giữa các thế hệ

Ở Việt Nam, hầu hết các bậc phụ huynh được sinh ra và lớn lên trong bối cảnh xã hội còn nhiều khó khăn và biến động nên các thế hệ trước luôn phải nỗ lực học tập và phấn đấu rất nhiều cho mục tiêu cuộc sống đỡ vất vả hơn. Do đó, các bậc cha mẹ luôn hiểu rõ tầm quan trọng của tiền bạc và giá trị của mỗi đồng tiền mà họ tạo ra. Tuy nhiên, lại có rất ít phụ huynh quan tâm đến vấn đề hướng dẫn con cái kỹ năng tài chính cá nhân, đa phần là do giới trẻ hiện nay tự mày mò, tìm kiếm cách thức chi tiêu, quản lý tiền bạc. Vì vậy, các em thường dễ “lạc lối” và mắc phải những sai lầm trong cách tiêu tiền hàng ngày dẫn đến ước mơ tự chủ tài chính ngày càng xa tầm với.

Hoặc cũng có những trường hợp phụ huynh nghĩ rằng “trẻ con thì không nên biết về tiền bạc, hãy để cho những đứa trẻ lớn lên trong sự hồn nhiên”. Điều này tuy không sai nhưng với điều kiện sống đầy đủ hơn thời ông bà ngày xưa, kéo theo nhiều phức tạp, cạm bẫy và cám dỗ, việc dạy trẻ những khái niệm về tiền bạc và học cách tiêu tiền chính là dạy trẻ học cách làm người, làm chủ bản thân trước mãnh lực đồng tiền trong thời buổi hiện nay.

Mỗi thế hệ đều có nhận thức khác nhau về tài chính

2. Tại sao nên giáo dục tài chính cho trẻ em ngay từ sớm?

Hiện nay trên các mạng truyền thông xã hội, báo chí,... chúng ta rất dễ bắt gặp các vấn đề như: thanh thiếu niên chưa biết cách quản lý tiền bạc hiệu quả, thiếu sự cân nhắc chi tiêu dẫn đến nợ nần và tệ nạn, nhiều trường hợp thanh niên còn thiếu tôn trọng người lớn tuổi vì chưa hiểu được giá trị của sức lao động, v.v… chính những điều này đã trở thành “hồi chuông” cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ phải đặc biệt quan tâm, hướng dẫn và giáo dục tài chính cho trẻ ngay từ khi còn bé. Hơn thế nữa, nhiều ngôi trường hiện nay cũng đưa các chương trình về tài chính vào giảng dạy để các em học sinh được tiếp cận với các khái niệm cơ bản, hiểu được cách làm thế nào để tạo ra đồng tiền, chi tiêu hợp lý và đặc biệt là học được cách tiết kiệm ngân sách.

Những kiến thức trên không chỉ giúp trẻ hiểu đúng về tiền, giá trị lao động mà còn giúp trẻ xác định được đâu là nhu cầu thiết yếu và đâu là mong muốn của bản thân để từ đó đưa ra được những quyết định dùng tiền một cách đúng đắn, trở thành một nhà tiêu dùng thông thái trong tương lai.

Nhà trưởng tổ chức hoạt động ngoại khóa giúp trẻ trở thành nhà tiêu dùng thông minh

Việc giáo dục tiền bạc cho trẻ không chỉ mới được quan tâm gần đây mà ở các nước phát triển trên thế giới như đất Israel đã có nhiều chuyên gia nổi tiếng giảng dạy về chủ đề tài chính. Đặc biệt là tại đất nước của Dân tộc Do Thái này, người ta còn dùng đồng tiền chạm nhau tạo ra tiếng kêu “leng keng” để chào đón một đứa trẻ ra đời và ngay từ khi lên 3, những đứa bé ở đây sẽ được giáo dục tài chính cho đến lớn. Điều này đủ cho chúng ta thấy việc dạy trẻ về cách sử dụng tiền bạc rất được chú trọng ở những nước phát triển.

Một ví dụ gần gũi khác là ông trùm đầu tư Warren Buffet từ nhỏ đã được ông nội và ba hướng dẫn cách kiếm tiền từ rất sớm. Năm lên 6 tuổi, việc kinh doanh đầu tiên của ông là bán kẹo cho các bạn cùng lớp và bán soda cho hàng xóm. Năm 11 tuổi, ông kiếm tiền từ công việc giao báo và bắt đầu mua cổ phiếu. Năm 14 tuổi, ông sở hữu trang trại đầu tiên từ tiền giao báo và tiết kiệm,... và hiện tại ông trở thành người giàu có nhất nhì trên thế giới.

Vì vậy, trách nhiệm của cha mẹ trong thời đại này cần trang bị cho các con một vốn kiến thức về tiền bạc, tài chính thay vì né tránh để trẻ sẽ có trách nhiệm hơn và biết cách tư duy tài chính độc lập và sử dụng tiền một cách hữu ích sau này.

3. Top các phương pháp giáo dục tài chính cho trẻ em đơn giản, hiệu quả

3.1. Giáo dục tài chính cho trẻ em ở độ tuổi mầm non

Theo nghiên cứu mối tương quan giữa Tài chính và từng độ tuổi, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng độ tuổi thích hợp để ba mẹ có thể tập cho trẻ làm quen với tiền bạc thường nằm trong khoảng từ 4 - 6 tuổi trở lên. Trong độ tuổi này, ba mẹ nên cho trẻ chơi các trò chơi quan sát và ghi nhớ các mệnh giá tiền khác nhau để trẻ làm quen với “đồ vật lạ lẫm” này.

3.2. Giáo dục tài chính cho trẻ em ở độ tuổi tiểu học

Trong độ tuổi này trẻ đã bắt đầu biết đọc, biết viết, phụ huynh nên tập cho trẻ cách phân biệt các mệnh giá tiền và giải thích đôi nét về giá trị đồng tiền, ý nghĩ của việc tiết kiệm tiền. Trong giai đoạn này, ba mẹ nên hạn chế mua ngay các món đồ mà trẻ thích, thay vào đó hãy khuyến khích trẻ dần học cách tiết kiệm bằng cách tặng cho bé heo đất và giúp bé đặt ra mục tiêu tiết kiệm là món đồ chơi mà con yêu thích. Bé sẽ mua nó bằng chính số tiền tiết kiệm của mình, điều này sẽ giúp trẻ hình thành cách sống có trách nhiệm hơn.

Ngoài ra, để tăng tính hiệu quả cho phương pháp này, ba mẹ cũng nên làm gương bằng cách mua heo đất và bỏ ống heo như trẻ. Các con sẽ rất thích thú khi có ba mẹ đồng hành và sẽ vui khi heo đất ngày một nặng hơn.

Giáo viên hướng dẫn trẻ tính toán ngay từ bậc tiểu học

3.3. Giáo dục tài chính cho trẻ em ở độ tuổi trung học

Khi trẻ lớn hơn một chút, ba mẹ sẽ hướng dẫn trẻ học cách mua sắm như: lên danh sách những món đồ cần mua, cùng trẻ đi siêu thị, đi chợ và hướng dẫn bé cách chọn hàng. Nếu trẻ chọn những món hàng phát sinh nằm ngoài danh sách mua sắm, hãy giúp trẻ cân nhắc thật kỹ đây có phải là những món hàng thực sự cần thiết cho trẻ hay không. Hãy giúp các con phân biệt giữa nhu cầu và mong muốn để giúp trẻ có thêm kiến thức và trở thành nhà tiêu dùng thông minh trong tương lai nhé.

Bên cạnh đó, ba mẹ có thể cùng con tự tổ chức hình thức tiết kiệm có lãi, giới thiệu cho trẻ ý nghĩa của tiết kiệm và trái ngược với đó là chi tiêu hoang phí. Phân tích hình thức lãi tiết kiệm để trẻ hiểu đây là một quá trình tiết kiệm thường xuyên, lâu dài vì số tiền tích góp sẽ tăng nhanh như thế nào thông qua hình thức tích góp tiền lãi.

Ngoài ra, cả gia đình có thể tổ chức một cuộc họp thường xuyên (tuần, tháng, quý) để các thành viên hiểu về các khoản tiền nong và cách tính toán, chi tiêu sao cho phù hợp với ngân sách chung. Đây cũng là một cách để giúp trẻ biết quản lý tài chính và rèn luyện lối sống tiết kiệm, có trách nhiệm.

Hiện nay, có 3 phương pháp quản lý tài chính hiệu quả có thể áp dụng trong độ tuổi này và những người trưởng thành:

Phương pháp 30/30/10/30: ba mẹ hướng dẫn mô hình 4 chiếc lọ với mỗi lọ được dán nhãn cho các mục đích chi tiêu nhất định như:

- Lọ tiết kiệm: tiết kiệm 30% cho mục đích cụ thể

- Lọ đầu tư: dạy con đầu tư 30% vào một mục đích nào đó

- Lọ cho đi: dành 10% cho hoàn cảnh khó khăn

- Lọ chi tiêu: dành 30% để chi tiêu hàng ngày

Phương pháp 50/20/30: cũng tương tự nhưng phạm vi thu hẹp trong 3 chiếc lọ, cụ thể:

- Lọ thiết yếu: dành 50% thu nhập cho các chi tiêu sinh hoạt cần thiết hàng ngày

- Lọ đầu tư & tiết kiệm: 20% dành cho tiết kiệm và tìm các phương pháp đầu tư sinh lời cho những trường hợp đặc biệt

- Lọ giải trí: đọc sách, du lịch, thư giãn cùng gia đình, bạn bè,... với chi tiêu tối đa 30%

Phương pháp 06 chiếc lọ:

- Lọ 1: Chi tiêu cần thiết chiếm 55% thu nhập

- Lọ 2: Tiết kiệm dài hạn chiếm 10% thu nhập

- Lọ 3: Quỹ tự do tài chính chiếm 10% thu nhập

- Lọ 4: Hưởng thụ chiếm 10% thu nhập

- Lọ 5: Giáo dục chiếm 10% thu nhập

- Lọ 6: Giúp đỡ người khác chiếm 5% thu nhập

Học sinh VAS học cách chi tiêu và cho đi một cách khoa học hợp lý

4. Các bộ sách giúp ba mẹ biết cách làm thế nào để dạy tài chính cho trẻ em

4.1. Bộ sách Giúp Trẻ Quản Lý Tài Chính Thông Minh (6 Quyển)

Bộ sách xoay quanh những bài học vỡ lòng quen thuộc nhưng thú vị và thiết thực, thông qua các nhân vật sinh động trong sách với các tình huống thực tế, giúp trẻ từ 6 - 12 tuổi làm quen với các khái niệm về tiền, sự lao động, quản lý tiền hiệu quả, đặc biệt là biết cách tổ chức cuộc sống của chính bản thân, biết cách phân biệt giữa mong muốn và nhu cầu. Bộ sách bao gồm 06 quyển, cụ thể:

- Quyển 1: Mua Hàng Với Giá “Hời”

- Quyển 2: Kiếm Tiền Thật Không Đơn Giản!

- Quyển 3: Vay Tiền: Nên Hay Không?

- Quyển 4: Tự Kiếm Tiền Không Khó

- Quyển 5: “Muốn” Và “Cần”: Cách Tiêu Tiền Hợp Lý

- Quyển 6: Theo Dõi Thu Chi: Dễ Hay Khó?

Bộ sách 06 quyển này sẽ giúp trẻ xây dựng nền tảng tài chính ngay từ bé để từng bước sở hữu “Trí thông minh Tài chính” (F1 - Financial Intelligence) tự tin hòa nhập trong thời đại mới.

4.2. Bộ sách Muốn và cần - cách tiêu tiền hợp lý

Là quyển sách dành cho bé từ 6 - 12 tuổi kể về câu chuyện đời thường của các bé trong độ tuổi này. Ví dụ như câu chuyện của bé Sam, bé muốn có một chiếc xe đạp mới, áo mưa mới và đồng thời là ăn kem nữa. Sau một vòng dạo quanh thị trấn cùng bố, Sam đã phân biệt được sự khác biệt giữa những thứ mình Muốn và những thứ mình Cần để biết bản thân nên ưu tiên lựa chọn cái nào hơn. Quyển sách sẽ giúp trẻ hình thành tư duy tài chính từ nhỏ cũng như các khái niệm trong chi tiêu, hứa hẹn sẽ mang đến một Trí thông minh tài chính đủ để bé trở thành một công dân toàn cầu.

4.3. Tiết kiệm tiền thật không đơn giản

Quyển sách này đáp ứng được mối quan tâm của phụ huynh trong việc giáo dục tài chính cho trẻ. Xuyên suốt quyển sách kể về cô bé tên Moon với chiếc hũ tiết kiệm của mình và cách mà cô bé có được tiền tiết kiệm để thực hiện những ước mơ của mình, thậm chí là giúp đỡ người khác từ số tiền tiết kiệm này. Thông qua bộ sách này, trẻ không chỉ được dạy về cách tiết kiệm mà còn học được cách chi tiêu hợp lý để mang đến niềm vui cho bản thân và mọi người xung quanh.

4.4. Tự kiếm tiền không khó

Tương tự như quyển sách trên, quyển sách này kể về hành trình tích lũy tiền của cô bé Nana mong muốn mua một quả bóng mới, cơ bé đã tự kiếm tiền bằng cách: tắm cho chó hàng xóm, bán vòng đeo tay cho bạn cùng lớp, rửa xe cho mẹ,...
Với sự ngây ngô và cách tiết kiệm tiền thiết thực của Nana sẽ giúp trẻ hiểu được kiếm tiền chưa từng là điều dễ dàng, từ đó các con sẽ trân trọng giá trị đồng tiền được tạo ra từ sức lao động.

Sách vở là nguồn cảm hứng tuyệt vời để ba mẹ hướng dẫn trẻ tài chính

4.5. Theo dõi thu chi: Dễ hay khó?

Câu chuyện xoay quanh cậu bé Zin mong muốn bán hết số kẹo mà thầy giao để chuẩn bị cho chuyến cắm trại. Cậu bé đã tỉ mỉ ghi chép thu - chi của mình vào một quyển sổ nhỏ. Thông qua quyển sách này, trẻ sẽ học được thêm thói quen ghi chép theo dõi chi tiêu bản thân để từ đó điều chỉnh lối sống, học cách tiết kiệm để có đủ tiền cho những mục tiêu của bản thân.

4.6. Dạy Con Về Tài Chính

Quyển sách được viết bởi tác giả Joline Godfrey mang đến làn gió mới cho ba mẹ trong việc mong muốn dạy trẻ tài chính. Bởi Godfrey hiểu được việc có rất ít cha mẹ thụ hưởng nền giáo dục về tài chính nên khó có thể giúp con cái độc lập kinh tế. Quyển sách này là lời khuyên thẳng thắn của tác giả nhằm giúp trẻ hay chính các bậc phụ huynh biết cách quyết định tài chính phù hợp với thu nhập.

4.7. Bộ sách Bồi dưỡng FQ cho trẻ (10 quyển)

Bên cạnh các chỉ số thường thất như: IQ - chỉ số thông minh, EQ - chỉ số cảm xúc thì FQ là chỉ số thông minh về tài chính. Đây là chỉ số rất ít được phụ huynh biết đến hoặc rất ít khi đề cập đến. Bộ sách FQ này sẽ giúp ba mẹ có cái nhìn hoàn toàn khác trong việc hướng dẫn trẻ về tiền bạc. Thông qua nhân vật Thỏ Co Co và những bài học tài chính đi kèm, trẻ sẽ hiểu đúng về giá trị tiền bạc, giáo dục nhân cách, mở ra những tố chất tiềm năng của trẻ một cách toàn diện. Bộ 10 quyển, bao gồm:

- Quyển 1: tiền từ đâu tới

- Quyển 2: Đồng tiền quý giá

- Quyển 3: Tiền có mua được tất cả

- Quyển 4: Sức khỏe hay tiền bạc

- Quyển 5: Tiết kiệm như thế nào?

- Quyển 6: Biết cho đi và nhận lại

- Quyển 7: Tự mình kiếm tiền

- Quyển 8: Chớ ngại phiền phức

- Quyển 9: Đừng phung phí

- Quyển 10: Lựa chọn thông minh

5. Top các phần mềm giúp trẻ tăng nhận thức tài chính nhanh chóng

5.1. Phần mềm tài chính dành cho trẻ từ 3 - 5 tuổi

Peter Pig’s Money Counter: phần mềm giúp trẻ học cách mua hàng trong phạm vi ngân sách được thiết kế sẵn. Khi tiết kiệm tốt, trẻ sẽ nhận điểm thưởng. Ngoài ra, phần mềm còn cung cấp 3 trò chơi tương tác, mẹo tiết kiệm,...

Dragonbox numbers: phần mềm dạy về những con số, cách các con số hoạt động để từ đó trẻ biết cách đọc các mệnh giá của tiền.

5.2. Phần mềm tài chính dành cho trẻ từ 6 - 10 tuổi

Saving spree: giúp trẻ học cách chi tiêu phù hợp để có cuộc sống mà con mong ước, trẻ có thể chọn tiết kiệm hoặc chi 1 khoảng tiền lớn trong game.

Financial football: Thông qua hình thức trả lời các câu hỏi liên quan đến bóng đá, trẻ sẽ nhận số tiền thưởng tương ứng. Trò chơi phù hợp với các bé yêu thích bộ môn vua này.

Sử dụng phần mềm giúp trẻ hứng thú trong việc học hỏi các khái niệm tài chính hơn

5.3. Phần mềm tài chính dành cho trẻ từ 11 - 13 tuổi

Stock market game: công cụ này giúp học sinh lớp 4 - 12 nắm được các khái niệm về kinh tế, đầu tư, tài chính cá nhân. Xây dựng hiểu biết thông qua các trò chơi kỹ năng thực hành trong thế giới thực.

Bankaroo: là một ngân hàng ảo cho trẻ em để phụ huynh dạy về giá trị đồng tiền cho con trong môi trường an toàn. Thông qua ngân hàng ảo, trẻ sẽ học được cách thiết lập mục tiêu, chi tiêu có trách nhiệm hơn.

5.4. Phần mềm tài chính cho trẻ từ 14 - 18 tuổi

JA Build Your Future: phần mềm xây dựng hơn 100 nghề nghiệp từ không cần trình độ đến cấp bậc tiến sĩ đẻ giúp học sinh tìm hiểu về các nguồn thu nhập, từ đó tính toán chi phí cho bản thân.

BusyKid: cho phép ba mẹ quản lý công việc của trẻ, trả tiền thưởng cho con và chuyển số tiền đó vào tai khoản ngân hàng.

6. Chương trình giáo dục tài chính trẻ em tại VAS

Trường quốc tế Việt - Úc (VAS) thành lập năm 2004, là ngôi trường giáo dục thúc đẩy toàn diện sự phát triển của học sinh, trang bị hành trang vững chắc cho các em trong quá trình phát triển và trưởng thành, trong đó bao gồm cả việc lồng ghép các kỹ năng sống thiết thực như giáo dục tài chính cho các em. Cụ thể, VAS thường xuyên tổ chức các chuyến đi ngoại khóa giúp trẻ ngoài học được khái niệm tài chính còn được va chạm và cọ xác thực tế, trong đó nổi bật nhất là chương trình:

6.1. Bé đi siêu thị

Dành cho các bé mầm non với sự ủng hộ nhiệt tình từ các quý phụ huynh giúp trẻ có một ngày trải nghiệm mua sắm thú vị tại siêu thị Lotte Mart. Các bé được hướng dẫn mua những món hàng thiết yếu trong cuộc sống như: dầu ăn, mì gói, xà phòng, khăn giấy,... toàn bộ các nhu yếu phẩm này sẽ được chuyển đến các tổ chức mái ấm để thiện nguyện. Trẻ không chỉ học cách chi tiêu, mua sắm mà còn học được các bài học giá trị về sự cho đi.

Chương trình ngoại khóa “Bé đi siêu thị” của VAS

6.2. Sử dụng đồng tiền thông minh

Tương tự như chương trình trê, “sử dụng tiền thông minh” là chuyến đi khác của học sinh VAS di chuyển đến siêu thị Go Mart để học thêm nhiều kĩ năng sống cần thiết như: cách chi tiêu phù hợp với số tiền và nhu cầu cần thiết của bản thân. Bên cạnh đó, các em đã vận dụng các kĩ năng tính toán đã học để tính số tiền mình sử dụng cho hợp lí. Ngoài ra, các em còn được học các kĩ năng về việc lựa chọn các thực phẩm sạch, tốt cho sức khỏe và được giáo dục thêm về việc quý trọng đồ ăn – đây là một điều mà cả gia đình, nhà trường luôn luôn nhắc nhở các em hằng ngày.

Tại VAS, học sinh không những học được các kiến thức bổ ích từ sách vở mà các em còn được tham gia những hoạt động trải nghiệm thực tế. Những hoạt động này nhằm giúp các em học sinh có cơ hội vận dụng những kiến thức mình đã học vào thực tiễn và tạo thêm nhiều hứng thú học tập cho các em.

Để biết thêm nhiều phương pháp học tập thú vị tại VAS, Quý phụ huynh và các bạn học sinh có thể liên hệ tại: www.vas.edu.vn - 0911 26 77 55.

>>> Xem thêm: Top 9 lợi ích của việc dạy nấu ăn cho trẻ em - hoạt động thiết thực, hiệu quả, giúp trau dồi kỹ năng sống

Bài viết liên quan